Tin tức

Đẩy mạnh công tác phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch

Ngày 10/6/2013, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức Australian AID và World Vision tổ chức tập huấn phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch cho các học viên là cán bộ trực thuộc các trung tâm công tác xã hội của một số tỉnh/thành phố.

Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc đem lại lợi ích to lớn về kinh tế thì hoạt động du lịch cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, thách thức hàng đầu hiện nay là tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em. Theo tổ chức Chống khai thác mại dâm, khiêu khích trẻ em và buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục thì du lịch tình dục trẻ em là việc khai thác tình dục trẻ em do một hay nhiều người đi du lịch từ vùng quê của họ, khu vực địa lí của họ, nước của họ để thực hiện hành vi tình dục với trẻ em. Các khách du lịch tình dục trẻ em có thể là khách trong nước hoặc khách quốc tế. Du lịch tình dục trẻ em thường bao gồm cả việc sử dụng nơi ở, phương tiện đi lại và các dịch vụ khác có liên quan đến du lịch để tiếp xúc với trẻ em và giúp cho kẻ phạm tội không bị nghi ngờ trong môi trường xung quanh.

Tham khảo: 1 Tuần quan hệ Mấy Lần là Đủ? Cách tính Tần Suất Hợp Lý

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng tình trạng tội phạm du lịch tình dục trẻ em ngày một gia tăng và vấn đề này hiện nay đang tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cũng không là ngoại lệ. Mặc dù trong những năm qua Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đã nỗ lực để ngăn chặn song nó thực sự là một thách thức và ngày càng mở rộng.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có từ 1.400 – 1.500 vụ xâm hại trẻ em được ngành công an thụ lý và tiến hành điều tra, trong đó, có hơn 60% là xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng chú ý là nạn nhân của các hành vi xâm hại tình dục là những em bé còn rất nhỏ, có trường hợp chỉ 2, 3 tuổi. Đối tượng phạm tội không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả những đối tượng là người nước ngoài. Đặc biệt số lượng đối tượng là người nước ngoài phạm tội gia tăng một cách nhanh chóng.

Trong khi du lịch là ưu tiên phát triển phát triển của các quốc gia, vì nguồn lợi nhiều mặt của loại hình này mang lại, song, đến thời điểm này, nhận thức nguy cơ và xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta thiếu sự phối hợp của các ngành trong nước và giữa các quốc gia đối với loại hình tội phạm xuyên quốc gia này. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một điều luật, quy định cũng như khái niệm đầy đủ về tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Thêm vào đó, nhiều điểm chưa tương thích với luật pháp quốc tế như độ tuổi của trẻ em, một số biện pháp trinh sát, kỹ thuật được pháp luật nhiều nước công nhận nhưng chưa được sử dụng trong hệ thống pháp luật nước ta. Mặt khác, các đối tượng phạm tội thường dùng tiền, vật chất hoặc sự nhạy cảm để đánh đổi sự im lặng của nạn nhân, dẫn đến việc thu thập các chứng cứ phạm tội trong các vụ du lịch tình dục trẻ em thường rất khó xác định và thu thập, do đó quá trình xử lí thường thiếu chứng cứ. Chưa kể đây là loại tội phạm nhạy cảm và mới nên nhiều cán bộ điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm, chưa kể đến các yếu tố nước ngoài như phải xác minh nhân thân qua đường ngoại giao, bất đồng ngôn ngữ…

Trước thực tế đó, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với các ngành Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các dịch vụ bảo vệ trẻ em, riêng với hoạt động du lịch, phải đưa ra các tiêu chí cụ thể trong bảo vệ trẻ em. Hơn nữa, các bộ ngành cũng phải xem xét đưa các chế tài trong kinh doanh dịch vụ du lịch vào hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại diện tổ chức Australian AID, ông Nguyễn Khánh Hội khẳng định, phát triển du lịch nếu không có những biện pháp phòng ngừa tích cực cũng sẽ đi kèm nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội, trong đó có nạn lạm dụng tình dục trẻ em ở các điểm du lịch. Phòng chống xâm hại trẻ em là một công việc khó khăn và phức tạp. Để có thể ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này, cần huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và cộng đồng. Theo đó, 3 giải pháp để xây dựng “Du lịch an toàn cho trẻ em” là phải xây dựng và công bố chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động quốc gia bảo vệ trẻ em; Có những hành động nhằm chấm dứt bóc lột trẻ em trong hoạt động du lịch, đồng thời, cần thiết có sự phối hợp xây dựng cơ chế bảo vệ trẻ em./.

Số lượt xem:1237

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn 18001567.vn như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!

Copyright © 2021 - 2024 | Tư vấn sức khỏe trẻ em | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status